“Tình yêu, ta ra lệnh cho ngươi hãy hiện nguyên hình!”

Hồi nhỏ, tôi rất thích xem truyện Sakura Thủ lĩnh thẻ bài vì nét vẽ đẹp, hợp nhãn tôi kinh khủng. Đến khoảng năm 2019, đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh phát sóng bộ phim hoạt hình này, thỉnh thoảng tôi coi ké mấy đứa em họ, tôi thậm chí còn thuộc lòng câu thoại của nhân vật chính Sakura. Tôi hay hò hét chung với mấy đứa nó: “Nhân danh chủ nhân của những thẻ bài, ta ra lệnh cho ngươi hãy hiện nguyên hình ngay lập tức!”

Đôi khi tôi đặt ra câu hỏi vu vơ cho chính mình rằng: Nếu ta là chủ nhân của Tình yêu trong chính ta, thì phải chăng, ta hoàn toàn có thể khiến nó “hiện nguyên hình”?

Bài viết này tôi xin dành tặng những ai đang tìm kiếm dấu vết của Tình yêu, không chỉ trong lồng ngực chính mình, mà còn ở những rung động xung quanh, ở ánh nắng, cơn gió, ở nụ cười, nước mắt,… Dành cho những Bạn trẻ, những Người lớn và những Đứa trẻ (bên trong).

Trước ngày 20/11 vài tuần của năm học lớp Tám, tôi và nhỏ bạn thân rất buồn khi nghe Cô dạy Văn yêu thích hồi lớp Sáu của chúng tôi sẽ về hưu. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy buồn và mong muốn được tặng gì đó cho cô giáo của mình. Tôi và nhỏ bạn thân không có tiền, chúng tôi bàn bạc về món quà sẽ tặng. Chúng tôi đem hết giấy màu, viết vẽ, màu sáp mình có, cộng với nỗ lực “động não thiên tài”, “bàn tay khéo léo” của mình. Chúng tôi đã tạo ra được một bông hồng cài áo xấu hoắc nhưng độc quyền.

Sau khi buổi Lễ kết thúc, các bạn tặng những món quà đẹp và tươm tắt cho các Thầy Cô. Hai đứa tôi thập thò trước Phòng Giáo viên và chờ đợi. Đến gần trưa, cô bước ra khỏi phòng Giáo viên, cô mặc chiếc áo dài nhạt màu, ít họa tiết. Tôi và con bạn chộn rộn vì lần đầu hai đứa đi tặng quà cho Thầy Cô. Kết quả là chúng tôi nhảy thót ra giữa hành lang, chận đường cô giáo, rồi lí nha lí nhí điều gì đó không biết nữa. Nhưng đại ý rằng: xin cô nhận cái bông hồng cài áo do tụi con làm đi cô!

Khi bông hồng được trao đi, nó nhỏ xíu và hơi nhúm nhó trong lòng bàn tay đang đón lấy, trái tim tôi hẫng một nhịp vì thất vọng, bởi cho đến lúc này tôi mới thấy nó xấu thật và xấu hơn tôi đã nghĩ do mới nãy, tôi đã lỡ nhìn thấy quà tặng của các bạn khác dành cho các Thầy Cô. Nhưng Cô lại nói rằng cô rất thích món quà của chúng tôi. Cô tự cài bông hoa nhỏ lên ngực áo. Cô đã để bông hoa nhỏ đỏ thắm ấy trên ngực áo cả một ngày. Tôi và nhỏ bạn thân vừa hãnh diện vừa tự hào. Chắc là quà của mình tuy không đẹp, nhưng “hợp gu” cô dữ lắm. Cảm xúc ấy vẫn còn nguyên khi chúng tôi nhắc về nó.

Ngày còn nhỏ, tôi rất hay giận mẹ của mình. Tôi còn hay cãi nhau với bà nữa. Căn nguyên đa số câu chuyện cũng là: Sao mẹ là mẹ của con mà mẹ không thương con? Mẹ đẻ con ra sao mẹ không hiểu con?

Sau này lớn lên, có nhiều lúc ở một mình, tôi nhớ lại bông hồng tôi và bạn tôi đã làm tặng cho cô mình, rồi tôi bắt đầu ngắm nhìn thực tại xung quanh… Quần áo của tôi đã được gấp, ủi thẳng thóm treo trong tủ, cơm đã được nấu từ lâu, nắng chẳng chiếu xuống tới đầu, gió chẳng lùa qua khe cửa,… tôi nhận ra tôi đã được tặng rất nhiều “quà”. Rõ ràng ba mẹ rất yêu anh em tôi!

Có lần, anh tôi tâm sự rằng, quả tình anh tôi không thích đi học hay làm gì to tát, anh tôi chỉ mê đá banh. Bằng ánh mắt xa xăm nhìn ra sân banh bên trường học đối diện nhà, anh hai tôi bày tỏ, nếu bị cụt chân thì anh tôi chắc sẽ đau khổ dữ lắm. Anh tôi học giỏi và muốn làm có nhiều tiền để cho ba mẹ vui. “Món quà” này anh tôi luôn kiên định và theo đến tận bây giờ.

Có những sự kiện diễn ra bên ngoài, khiến ta suy ngẫm lại những thứ đã luôn diễn ra, tưởng chừng chẳng có gì đặc biệt hay đáng bận tâm ở bên trong. Nếu được bọc trong tình yêu xuyên suốt thì chỉ một mâu thuẫn xẩy ra, nó lại trở thành một điều gì đó đáng chú tâm. Nếu được bọc trong thờ ơ, thù ghét, thì chỉ một chút ân cần lại trở thành điều gì đó đáng nghi ngại. Vậy thì sao không nhìn nó từ góc nhìn của “mỗi chút” thay vì “xuyên suốt”?

Tôi nhận ra rằng, Tình yêu sẽ không thể nhận ra được nếu nó không thể được nghe, không thể được thấy, không thể được chạm vào, không thể được cảm nhận.

Đôi khi mình phải hướng tai nghe điều cần nghe, nói điều cần nói; thấy điều cần thấy, làm điều nên làm; và cảm nhận điều gì đang diễn ra ở từng thời khắc mình đang sống. Không phải là “xuyên suốt” hay “tất cả”, đó là “thời khắc” và “khoảnh khắc”, mà từ đó ta nhìn lại cả quãng thời đã qua, nuôi lấy niềm hy vọng vào ngày mai và gieo trồng niềm tin ở hiện tại.

Tôi luôn tự hỏi: “Món quà” bày tỏ “tình yêu” của tôi đến với ba mẹ, người thân yêu của mình sẽ là gì? “Món quà” bày tỏ “tình yêu” của tôi đến chính bản thân mình là gì?

Tôi từng hỏi mẹ rằng: tôi không thể được như người khác và trở thành một ai đó, không giàu có và không giúp ích được gia đình nhiều. Điều đó có làm mẹ buồn không?; Mẹ tôi không ngần ngại trả lời rằng: Mỗi người đều có những số phận khác nhau, ai cũng mong con mình thành công. Nếu con thành công thì tốt, không thì thôi, cũng hơi buồn một chút. Nhưng quan trọng nhất là sống thật hạnh phúc.

Gửi đến bạn, người hữu duyên với tôi, và cả những người tôi chưa biết đến, tôi mong chúng ta sẽ luôn thấy được sự hiện diện có vẻ bình thường, chẳng đáng chú tâm của yêu thương xung quanh mình. Tôi mong chúng ta dám bày tỏ lòng mình và dám đón nhận những điều tốt đẹp dành cho mình!

 

Nguyễn Yến Minh

6/12/2024

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

ĐƠN ĐỘC KHÔNG PHẢI LÀ CÔ ĐƠN – NHỮNG KHÁC BIỆT QUAN TRỌNG MANG TÍNH TRIẾT LÝ

SÀI GÒN MƯA