ĐƠN ĐỘC KHÔNG PHẢI LÀ CÔ ĐƠN – NHỮNG KHÁC BIỆT QUAN TRỌNG MANG TÍNH TRIẾT LÝ
TÊN GỐC TIẾNG ANH: SOLITUDE IS NOT LONELINESS. HERE’S THE KEY PHILOSOPHICAL DIFFERENCE
Nguyên tác: Johny Tomson – writer for Big Think
Người dịch: QUÁCH YẾN NGỌC
Hiệu đính: Bs. Nguyễn Minh Tiến
LẦN
CUỐI BẠN DÀNH THỜI GIAN CHẤT LƯỢNG CHO CHÍNH MÌNH LÀ KHI NÀO?
Bạn không cần phải ở một mình thì mới cảm thấy
cô đơn. Hãy tưởng tượng có hai người đang cùng ngồi trong một quán cà phê đông
đúc. Một người có thể cảm thấy khá căng thẳng, vừa nghe nhạc, vừa gõ một email,
lại vừa quan sát người khác xen giữa những lúc nhấm nháp cà phê. Người còn lại
có thể cảm thấy vô cùng cô đơn, tự nhận ra bản thân thiếu ai đó để cùng chia sẻ
khoảnh khắc này. Người này không nhìn ngắm thế giới như là một cảnh đẹp, mà như
thể đang ở trong một nỗi đau dai dẳng, nhức nhối.
Có một sự khác biệt giữa cô đơn và đơn độc, mặc
dù cả hai đều là những cảm nhận hết sức phức tạp. Trong một ngày, tất cả chúng
ta đều phải trải qua nhiều thời gian chỉ dành cho bản thân, trong ý nghĩ của
ta. Đó là một phần bình thường của cuộc sống. Nhưng khi nào thì điều đó trở
thành nỗi cô đơn?
DÀNH
THỜI GIAN CHO BẢN THÂN
Triết gia người Đức Arthur Schopenhauer, đôi
lúc còn được gọi là một triết gia bi quan, bởi vì ông cho rằng “cuộc sống như một
con lắc dao động qua lại giữa nỗi đau và sự buồn chán”. Lấy cảm hứng khi đọc một
kinh thư Hindu có tên là Upanishads (Áo Nghĩa Thư), ông tin rằng nguồn gốc của
những đau khổ trong cuộc sống đến từ những ham muốn không ngừng và bất tận. Vậy
thì, cô đơn là khao khát một thứ muốn mà không có được. Đó chính là một cảm
giác trống rỗng không thể nào được lấp đầy – trong nỗi mong cầu, nhưng lại bị
cô lập hoặc bị bỏ rơi, không một ai giúp đỡ.
Trái lại, sự đơn độc lại là một điều hoàn
toàn khác. Sống đơn độc là rút lui vào chính mình và tận hưởng niềm vui lớn lao
khi ở một mình. Trong sự đơn độc, ta đạt được sự nối kết với chính mình, có thể
suy nghĩ một cách tự do và trung thực như ta muốn. Chỉ khi ta cắt đứt mọi phiền
nhiễu và những người khác, ta mới có không gian để suy ngẫm về cuộc sống và
khám phá những điều tuyệt vời.
Tuy nhiên, Schopenhauer biết rằng không phải
ai cũng làm được hoặc có thể cảm nhận được điều này. Tất cả chúng ta đều có lúc
cô đơn. Ở những thành phố đông đúc nhất hoặc trên những con phố yên tĩnh nhất,
chúng ta có thể đau đớn nhận ra một sự thiếu hụt nào đó trong cuộc đời mình. Cô
đơn là nhìn vào một cái hố sâu, một cảm nhận về sự trống vắng. Những gì
Schopenhauer mang lại là cả một sự thay đổi trong quan điểm. Việc ở lại bên trong tâm
trí là cơ hội để ta có thể dành thời gian cho chính mình. Đó là nơi chốn của tự
do và trung thực, nơi mà suy nghĩ của ta có thể đi đến bất cứ chỗ nào ta muốn. Ta
có thể dịch chuyển bản thân đến một thế giới kỳ diệu nào đó, hồi tưởng lại một
ký ức hạnh phúc hoặc triết lý hóa thực tại cuộc sống.
Thật may mắn khi ta được nói chuyện với chính
mình và bạn có thể ngạc nhiên với những gì bạn học được.
KHÔNG
GIAN ĐỂ SUY NGHĨ
Trong cuộc sống bận rộn bận rộn của chúng ta,
có rất ít cơ hội để đón nhận kiểu cô độc mà Schopenhauer đã tôn vinh. Mỗi khoảnh
khắc buồn tẻ hoặc yên tĩnh đều bị các kích thích dồn dập đến một cách thô thiển.
Chúng ta không thể đợi xe buýt, đi vệ sinh hoặc xếp hàng chờ mà không bị lôi cuốn
phải làm một việc gì đó. Những giây phút tĩnh lặng, cô độc đầy tiếng ồn, khiến
chúng ta không dành được nhiều thời gian cho bản thân.
Và Schopenhauer đã đúng khi nói rằng chúng ta
đã đánh mất điều gì đó trong chuyện này. Theo nghiên cứu được thực hiện bởi
Bowker và cộng sự, việc rút lui một cách có ý thức và có chủ ý khỏi tương tác
xã hội (sự đơn độc, không phải cô đơn) có liên quan đến sự phát triển khả năng sáng
tạo. Như Bowker đã nói, “Trong suốt thời thơ ấu và vị thành niên, có ý tưởng cho
rằng nếu bạn quá tách mình ra khỏi bạn bè cùng trang lứa thì bạn có thể bị lỡ mất
nhiều cơ hội… [và] người ta đã nhấn mạnh đến những tác động tiêu cực của việc
tránh né và cách xa các bạn đồng trang lứa.”
Chúng ta được dạy từ khi còn nhỏ rằng hòa đồng
là tốt, đám đông là hạnh phúc, sự thuộc về và sự thỏa mãn có được là nhờ các mối
quan hệ.
Tất nhiên, có rất nhiều sự thật về điều này.
Nhưng những gì mà sự đồng hành mang lại gì đó cho ta ở mặt này thì lại tước đoạt
của ta thứ gì đó ở mặt khác. Khi dành thời gian cho bản thân, chúng ta tự cho
mình một khoảng không gian để có thể tưởng tượng. Khi tâm trí của chúng ta
không liên tục bị tấn công bởi những nội dung, nó có thể sáng tạo.
Michael Harris đã diễn đạt rất hay trong cuốn
SOLITUDE: IN PURSUIT OF A SINGULAR LIFE IN A CROWDED WORLD, trong đó ông viết,
“Cho đến gần đây, vẫn có những khoảnh khắc trong ngày khi sự bận rộn giảm bớt
và nhịp sống chậm lại. Bạn sẽ thấy bản thân mình đơn độc, xa cách với bạn bè và
đồng nghiệp, và bạn bắt buộc phải dựa vào những nguồn lực của chính mình, những
suy nghĩ của chính mình. Những khoảng thời gian xen kẽ như vậy có thể gây ra cảm
giác cô đơn và buồn chán. Tuy nhiên, chúng cũng tạo cơ hội để tận dụng những ý
tưởng, nhận thức và cảm xúc vốn không thể tiếp cận được bởi cái “ngã xã hội” (social
self).”
KHI
SỰ ĐƠN ĐỘC TRỞ THÀNH VẤN ĐỀ
Đối với nhiều người, không có thứ gì giống
như sự đơn độc mà Schopenhauer, Harris và Bowker mô tả. Đối với những người
này, việc ở một mình thật đáng sợ và khủng khiếp. Trong khi sự đơn độc đôi lúc có
thể cần thiết cho việc sáng tạo, thì sự cô đơn lại thường có thể là mảnh đất tối
tăm và thuận tiện để dẫn đến trầm cảm. Samuel Johnson, một tượng đài về văn
chương và là người từng bị trầm cảm, đã nhận thấy nhiều điều đáng sợ khi ở
trong trạng thái trống vắng lặng lờ của nỗi cô đơn. Lời khuyên tốt nhất của ông
dành cho những người có tâm trạng u sầu là: “Nếu bạn nhàn rỗi, đừng ở một mình;
nếu bạn một mình thì đừng để mình nhàn rỗi.” [Câu trích dẫn này lần đầu tiên
tôi (tác giả) đọc được trong cuốn sách tuyệt vời, THE NOONDAY DEMON: AN ATLAS OF
DEPRESSION của Andrew Solomon]
Nhận xét
Đăng nhận xét